Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

Lời giới thiệu tác phẩm "Truyện Kiều-hướng về nguyên tác" của GS, NGND Nguyễn Đình Chú

MỘT CON NGƯỜI ĐÁNG QUÝ –
MỘT VIỆC LÀM ĐÁNG TRỌNG
Cuối xuân năm Giáp Thân (2004), tôi bỗng nhiên nhận được quà tặng là cuốn Truyện Thúy Kiều của soạn giả Phạm Đức Huân mà tôi chưa từng biết tên biết mặt, từ quê hương Nghi Lộc, Nghệ An thân yêu của tôi gửi ra, kèm theo lá thư có nhã ý muốn tôi viết Lời giới thiệu cuốn sách xuất bản lần sau. Đọc thư, đặc biệt là đọc sách Truyện Thúy Kiều, tôi thực sự kính phục soạn giả và thầm cảm ơn ông đã cho tôi thêm một lần chiêm nghiệm về sự cuốn hút phi thường, bền bỉ của Truyện Kiều, về niềm say mê kỳ lạ của người Việt Nam ta đối với kiệt tác bất hủ này, thêm nữa là để suy nghĩ về chuyện thực hư, chân ngụy trong bảng giá nhân sinh giữa cuộc đời sôi động và cũng là xáo động. Và hôm nay, sau một thời gian nhận được quà tặng, Nhà xuất bản chuẩn bị cho ra mắt Truyện Thúy Kiều có sửa chữa, bổ sung với dự định lấy tên mới là Truyện Kiều – hướng về nguyên tác, thì hỗi ôi! Soạn giả Phạm Đức Huân khả ái khả kính đã thành người thiên cổ. Cho nên tôi xin được coi Lời giới thiệu này không chỉ là chuyện với bạn đọc nơi dương thế mà trước hết là nén nhang tâm thành thắp cho người dưới mộ với ý nghĩ rằng: Ông Phạm Đức Huân không vĩnh biệt trần gian. Ông còn đó với Truyện Kiều – hướng về nguyên tác. Ông đang theo các bậc tiền bối và thay mặt chúng ta đến hầu chuyện cụ Nguyễn Tiên Điền, xin Cụ cho biết bản Truyện Kiều gốc có còn lại ở đâu không.

*
* *

Ông Phạm Đức Huân sinh ngày 13.10.1938 (tức 20.8 năm Mậu Dần) tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học, khoa bảng, từng có hai vị đậu cử nhân, một vị đậu 3 lần tú tài. Thuở nhỏ, ông học trường làng, sau đó học trường trung học Đặng Thúc Hứa vốn có tiếng là trường có nhiều thầy giỏi, trò giỏi trong phạm vi tỉnh Nghệ bấy giờ. Tiếp đến học trường Sư phạm Sơ cấp Khu Bốn, ra dạy cấp I tại các xã Nam Giang, Nam Thượng thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An. Kế nữa, học trường Sư phạm Trung cấp Thái Bình và ra dạy toán cấp II tại thị xã và huyện Đông Hưng thuộc tỉnh Thái Bình. Năm 1968, trong phong trào chống Mỹ, ông nhập ngũ. Sau 1975, xuất ngũ và lại về với nghề dạy học rồi làm công tác quản lý giáo dục cho đến năm 1986 thì nghỉ hưu. Năm 1990 chuyển về sống tại thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Sau này lại chuyển về sống tại xóm 12, xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ông qua đời ngày 08.10.2004.
Ông Phạm Đức Huân đã đi qua giữa cõi đời này 67 năm với một tiểu sử khiêm nhường, đơn giản, không quyền cao chức trọng, không học hàm học vị. Nhưng cuộc sống tinh thần của ông thì lại khá phong phú, đáng kính đáng trọng. Là một giáo viên dạy toán cấp II, nhưng ông rất say mê học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, kể cả sáng tác văn chương. Ông từng là hội viên Hội văn nghệ của tỉnh Thái Bình. Trong thời gian ở quân ngũ, đã tham gia trại sáng tác cùng với một số bạn về sau rất nổi tiếng như nhà viết kịch kiêm thi sĩ Lưu Quang Vũ, nhà thơ Nguyễn Duy… Có người nói tên vở kịch Nổi gió của Đào Hồng Cẩm là có phần gợi ý của Phạm Đức Huân. Ông Huân sáng tác khá nhiều thơ. Một số đã in, một số chưa in. Ông còn viết cả trường ca. Thơ ca của ông thanh thoát, nhẹ nhàng, đậm đà hồn nước hồn quê, giàu chất dân ca truyền thống. Xin dẫn ra đây một đôi bài để bạn đọc cùng thưởng thức.
Bài CON CÒ:
Con cò chở nắng ca dao,
Bay la bay lả đậu vào nôi thơm.
Con cò nuôi cái cùng con,
Còn nuôi cả giấc ngủ tròn em thơ.
À ơi…, tiếng mẹ ru hờ,
Cò mở cánh ủ giấc mơ thêm nồng.
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng chẳng quản ngày đêm.
Chẳng may sa sảy cành mềm,
Xáo măng! Cò cũng có thèm sợ đâu.
Sợ chăng là nước đục ngầu,
Xáo măng nước đục thì đau lòng cò!
Con cò bay suốt giấc mơ,
Cánh cò nâng bổng tuổi thơ bao đời!
«
Lớn lên, em lớn lên rồi,
Bao mơ mộng giữa nôi đời thênh thang.
Con cò chở nắng đồng xanh,
Còn nghiêng cánh vẫy giấc lành tuổi thơ?
Hay là sớm nắng chiều mưa
Lắm khi đục nước thân cò béo thêm?
Con cò mà đi ăn đêm…
Lòng cò: lòng mẹ, lòng em, thuở nào…
Con cò chở nắng ca dao,
Tự ngàn xưa có đậu vào HÔM NAY?
«
Hỡi ôi! Lòng mẹ ai hay?
Còng lưng bắt tép những ngày còn thơ.
Nuôi con, mẹ đã nuôi cò.
À ơi… tiếng mẹ ru hời… mẹ ơi!

Bài TRE XANH (Gửi Nhuệ, tặng Nguyễn Duy để nhớ lớp viết kịch toàn quân 20 năm trước: 4.1969):
Tre xanh xanh tự bao giờ,
Câu thơ của bạn vương tơ cõi lòng!
Tre xanh từ thuở Lạc Long…
Một đêm biển động phải lòng Âu Cơ.
Tre lên ấm bụi thành bờ,
Thiếp chàng trăng tỏ, trăng mờ sánh vai.
Mảng vui, ngày ngắn tình dài,
Tre xanh ghi tạc bao lời nước non.
Cái đêm vằng vặc trăng tròn,
Đinh ninh hai mặt sắt son một lời.
Tre xanh bổi hổi bồi hồi,
Thiếp chàng như đứng như ngồi chẳng yên.
Một đàn con của Rồng Tiên,
Từ trăm trứng nở, thành tên đồng bào.
Tre xanh đu bổng trời cao,
Hát ru cùng gió nôi chao trưa hè.
Giã từ bên lũy tre quê,
Chàng xuôi biển cả, thiếp về non cao.
Tre xanh xanh ngắt một mầu,
Sử xanh tre tạc mãi câu ân tình.
Tre xanh ôm bóng một mình,
Bước đường sẻ nửa mối tình chia ba.
Tre xanh xanh tự bấy giờ,
Chuyện ngày xưa đến bao giờ cũng xanh.

Thái Bình, 4.1989
Ông Phạm Đức Huân còn viết kịch. Vở kịch Trường học mới ông viết ngày tham gia trại viết kịch toàn quân 4.1969, về sau được giải thưởng của Bộ Giáo dục. Vở kịch Trên một trang sách đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông còn viết báo về nhiều đề tài với các bút danh: Phạm Đức Huân, Hồ Thị Cúc, Giang Châu trong các mục: "Thường thức gia đình", "Mẹ kể con nghe",… được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, in trên các báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ, Phụ nữ,… Ngoài ra, ông còn viết tộc phả dòng họ Phạm với niềm thành kính, tri ân và tự hào về Tiên Tổ.

*
* *

Trong thế giới tinh thần của mình, điều mà ông Phạm Đức Huân say sưa, dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất, chính là với Truyện Kiều. Cuốn Truyện Kiều – hướng về nguyên tác là kết quả một đời say mê, tâm huyết đó. Thật là cảm động khi được biết, sau cái chết do tai nạn giao thông của người con trai trưởng vốn là sỹ quan quân đội, tinh thần và sức khỏe của ông trong mấy năm trời sa sút nghiêm trọng mà ông vẫn cùng một người bạn già đạp xe đến mộ cụ Nguyễn Tiên Điền khấn lạy xin Cụ cho sống đủ thời gian để hoàn thành công việc biên soạn cuốn Truyện Thúy Kiều. Ngay trước khi qua đời hơn một tháng, không đến Tiên Điền được nữa, tại nhà, ông thắp hương cầu xin cụ Nguyễn Du cho thêm ít ngày. Và đúng là sau ba ngày tạm gọi là hoàn thành việc chỉnh lý để có văn bản Truyện Kiều – hướng về nguyên tác thì ông nhắm mắt xuôi tay, nhẹ nhàng ra đi vào cõi vĩnh hằng.
Với Truyện Kiều, suốt hai trăm năm rồi, trên đất nước ta, hầu như chưa bao giờ vắng lời bình phẩm, chưa bao giờ ngưng nghỉ việc nghiên cứu, khám phá đủ mọi phương diện, trong đó có vấn đề mấu chốt là vấn đề văn bản. Trong vấn đề văn bản, cũng lắm chuyện mà trước hết vẫn là chuyện làm sao tìm lại được bản Truyện Kiều gốc. Mà một khi chưa tìm lại được bản gốc, bản nguyên tác thì làm sao để có bản gần với nguyên tác. Chính ở đây, đã có không biết bao nhiêu công sức, bao nhiêu cách nghĩ, cách làm mà từ đó cũng đã xẩy ra bao nhiêu cuộc tranh luận, bàn cãi, chung quanh các từ này, từ nọ trong Truyện Kiều. Có người sửa lại theo điều mình cho là hay nhất. Hay nhất nhưng chắc gì đã đúng với Nguyễn Du. Có người chỉ làm việc khảo dị từ nhiều bản Kiều Nôm và Kiều quốc ngữ, hoặc chỉ thuần các bản Kiều Nôm để rồi mặc cho độc giả tự chọn, hoặc chính mình cũng tự chọn. Chung quanh việc lựa chọn ngôn từ này, ít nhiều có liên quan đến cách đoán định thời điểm xuất hiện Truyện Kiều là trước hay trong thời Gia Long; đến vấn đề kiêng húy dưới triều Gia Long nói riêng, dưới triều Nguyễn nói chung là thế nào; đến vấn đề tiếng địa phương Xứ Nghệ với Nguyễn Du là gì; đến vấn đề cách đọc chữ Nôm vốn là thứ chữ chưa thật định hình chặt chẽ, đã thế lại còn quan hệ với cách phát âm khác nhau giữa các địa phương; đến vấn đề tư duy ngữ pháp của người Việt thời Nguyễn Du có chỗ khác thời nay… Rõ ràng là không đơn giản chút nào trên con đường hướng về nguyên tác Truyện Kiều. Điều đáng mừng là gần đây, các bản Kim Vân Kiều tân truyện – Duy Minh Thị trùng san – Quan văn đường tàng bản 1879; Kim Vân Kiều tân truyện – Liễu văn đường tàng bản 1871; Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) – bản Kinh đời Tự Đức 1870 và gần đây nhất là bản Kiều 1866 được tìm lại ở Nghệ An (không thật đầy đủ) và bản Kiều 1833 (do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng lại nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang) lần lượt được in ấn và phổ biến. Tuy vậy, đây cũng chỉ là những bản Kiều nói cổ nhất với khả năng phát hiện hiện tại thì đúng, còn nói gần nguyên tác nhất thì cũng không hẳn là đơn giản.
Giữa một tình hình chung như thế, ông Phạm Đức Huân đã làm gì với công trình Truyện Kiều – hướng về nguyên tác? Trong Lời nói đầu, ông nói: … khôi phục một bản Truyện Kiều đúng với nguyên tác là khó làm nổi nếu không muốn nói là không thể làm được. Tuy nhiên, rồi cũng có một bản Truyện Kiều "vừa ý" về mặt văn bản. Mơ ước đó từ hơn 40 năm nay chúng tôi vẫn náo nức mong chờ. Chắc là ông có mong chờ ở người khác. Nhưng tự ông, ông cũng bắt tay vào việc thực hiện sự mơ ước đó bằng trí lực, tâm lực của mình hơn mười lăm năm trời để có được một văn bản Truyện Kiều – hướng về nguyên tác (chứ không phải nguyên tác) vừa ý, trước hết là để gia dụng cho con cháu trong nhà, vừa ý trong nhà. Để có được sự vừa ý trong nhà, ông tiến hành khảo dị 9 bản Kiều Nôm, 12 bản Kiều quốc ngữ theo tinh thần không thiên vị một bản nào tuy vẫn luôn coi trọng bản Nôm xưa như bản Liễu văn đường-1871, bản Duy Minh Thị (1879) và một số bản quốc ngữ ngày nay như bản Nguyễn Thạch Giang (1972, 2002), Đào Duy Anh (1979), Vũ Văn Kính (1998),… Ông quan niệm từ đúng của Nguyễn Du, là đúng nghĩa, sát nghĩa, thông nghĩa,… cho câu, đúng văn cảnh, hợp văn lý cùng với phong cách và bút pháp viết ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH của cụ Nguyễn Du. Về đại thể, cách làm và quan niệm thế nào là từ đúng của Nguyễn Du, ông Huân không khác những người đi trước – nhưng cái khác, cũng có thể nói cái mới của ông là ở chỗ chỉ ra những điều cụ thể thuộc bút pháp, phong cách ngôn từ của Nguyễn Du để từ đó tạo cho mình một hệ tiêu chí trong việc suy đoán, lập luận chọn từ mà mình cảm thấy đúng với Nguyễn Du hơn. Đó là các hiện tượng:
Ưa viết câu chữ cân đối gồm cả tiểu đối và bình đối;
Ưa dùng đối xứng 4 âm tiết;
Sành dùng thành ngữ, thích lẩy ca dao, tục ngữ cùng với thú chơi chữ;
Có nhiều điển cố văn học và một ít từ địa phương như từ Xứ Nghệ;
Dùng câu đảo (để nhấn mạnh, làm nổi bật ý), đảo chữ cho đúng luật thơ lục bát.
Từ những căn cứ trên, với Truyện Kiều – hướng về nguyên tác, trong số những từ đang có tranh chấp soạn giả đã nêu lên hơn 330 từ cho là đúng của Nguyễn Du (Những từ đáng tin) và 157 từ còn phải ngờ được ghi bằng ký hiệu N (Câu chữ còn ngờ). Điều lý thú chứng tỏ phần nào một không khí hợp lực mê Kiều là trong số 157 từ N có 19 từ do con trai và bạn ông gợi ý. Ông có ghi cụ thể hẳn hoi trong công trình của mình. Với mỗi trường hợp tin và ngờ, ông đều có cách biện giải công phu, sáng rõ theo quan điểm, khả năng lập luận và trình độ kiến thức thông thái của mình. Tôi hy vọng rằng bạn đọc sẽ đón nhận ở đây trước hết là một thái độ khoa học nghiêm túc, một trạng thái lao động cật lực và từ đó cũng là nhiều điều khám phá, tìm tòi lý thú mà ông Phạm Đức Huân – một nhân cách đẹp – đã cống hiến cho chúng ta, cho khoa Kiều học. Tất nhiên, cùng với sự quý trọng việc làm của ông, hẳn chúng ta cũng hiểu trong khoa học, không ai dám nói rằng đây đã là tiếng nói cuối cùng. Bởi khoa học đích thực theo ngôn ngữ của Pháp là "rechercher" tức là chercher et rechercher: tìm đi, tìm lại, cứ thế, cứ thế… nhất là khoa học trong văn chương mà người xưa đã từng nói quá lên rằng: "văn chương tự cổ vô bằng cứ".
Bạn đọc kính mến! Như thế là tôi đã có đôi Lời giới thiệu cuốn sách Truyện Kiều – hướng về nguyên tác của soạn giả Phạm Đức Huân với bạn đọc. Nhưng đến đây tôi lại muốn xin phép quý vị cho tôi thắp tiếp một nén nhang tâm thành trước linh hồn ông Phạm Đức Huân mà khấn rằng: cầu mong ông được siêu sinh tĩnh độ ở thế giới bên kia. Gia đình, bạn bè, những người Việt Nam cùng say mê Truyện Kiều luôn nhớ tiếc, kính trọng ông. Sinh thời, ông tự kể: "Thúy Kiều theo tôi ra trận, vươn theo nòng đại bác ngâm thơ." Thì từ đây, Thúy Kiều lại ru ông, ru mãi trong giấc ngủ ngàn thu.
Hà Nội, Xuân Ất Dậu (2005)
Nguyễn Đình Chú
(Giáo sư-Nhà giáo nhân dân)

Một số thông tin về nhà giáo Phạm Đức Huân

NHÀ GIÁO PHẠM ĐỨC HUÂN (1938-2004)
Sinh ngày: 20 tháng 8 năm Mậu Dần (13-10-1938).
Mất ngày: 25 tháng 8 năm Giáp Thân (08-10-2004).
Quê quán: Thanh Long - Thanh Chương - Nghệ An.
(xóm Trung Chính- xã Quảng Xá- tổng Võ Liệt)
Xuất thân trong gia đình có truyền thống dạy học.
Từ năm 1957-1960, ông Phạm Đức Huân dạy học ở Nam Đàn-Nghệ An. Năm 1960 ra Thái Bình học trường Sư phạm Trung cấp, dạy môn Toán. Tổng động viên năm 1968, ông đi bộ đội ở Trung đoàn 564, Quân khu Tả Ngạn. Trong thời gian tại ngũ tiếp tục dạy học, tham gia sáng tác, hoạt động văn nghệ. Năm 1975 về phục viên, dạy học đến năm 1976. Từ 1976-1986 công tác tại phòng Giáo dục huyện Đông Hưng-Thái Bình rồi nghỉ hưu. Tham gia sinh hoạt ở Hội văn nghệ Thái Bình. Năm 1990 chuyển đến sống ở thị xã Tam Điệp-Ninh Bình. Đến năm 1993 về sống ở xã Nghi Kim-Nghi Lộc-Nghệ An.
Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, ông đầu tư công sức nghiên cứu Truyện Kiều. Được sự ủng hộ của Nhà xuất bản Nghệ An, đến tháng 01 năm 2004 cuốn Truyện Thúy Kiều do ông khảo đính được in. Vào mùa thu 2004, mặc dù lâm bệnh nặng, ông vẫn cố gắng làm việc để hoàn chỉnh cuốn sách. Trước khi ông mất ba ngày, mới tạm coi chỉnh lý xong văn bản Truyện Kiều – hướng về nguyên tác. Trở về cõi vĩnh hằng, ông được bà con, bạn hữu trân trọng gọi tên thụy: Thông Mẫn – Chính Trực phủ quân.